Tuesday, December 30, 2014

Những điều kiêng kị trong Tết Nguyên Đán.

   Tết Nguyên Đán là tết quan trọng nhất trong năm, đây là dịp người ta tụ họp lại cùng nhau sau một năm dài lưu lạc. "Dù ai buôn bán đâu đâu, nhớ 3 ngày tết, rủ nhau mà về". Tết cũng là dịp ăn uống thả dàn, vui chơi thỏa thích, đánh cờ, cá ngựa, ai cũng muốn thử tài, thử vận. Theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, ngày đầu năm có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm sẽ có nhiều điều may mắn, vì vậy, người Việt có khá nhiều quy tắc được đem áp dụng vào ngày Tết, trong đó có khá nhiều điều kiêng kỵ. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để tránh được những điều không may mắn trong ngày Tết Ất Mùi sắp tới nhé.

Xuân Ất Mùi.

Những điều kiêng kỵ trong Tết Nguyên Đán:

- Không quét nhà ngày mùng Một Tết: Dân gian quan niệm, quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi tiền bạc, lộc xuân, “đuổi” Thần Tài ra khỏi nhà. gia đình trong suốt năm sẽ bị xui xẻo, khánh kiệt về tài chính. Vì thế, trước Tết dù bận rộn với công việc, sắm sửa tết, mọi nhà đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp. Trong những ngày Tết, hạn chế xả rác, giữ gìn vệ sinh để hạn chế việc quét nhà. Hoặc dù có quét cũng chỉ được gom gọn ở góc nhà hoặc góc sân, không được đổ đi.
- Không đổ rác ngày mùng Một Tết: Tục kiêng đổ rác có nguồn gốc từ một truyện dân gian bên Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó.
- Kiêng xin/cho lửa và nước:
Lửa có sắc đỏ rực ấm nóng, biểu trưng cho may mắn. Nếu cho người khác lửa coi như cho đi may mắn, cả năm gia đình sẽ không giữ được tiền bạc, gặp điều xui rủi, các thành viên ra đường hay gặp tai vạ.
Nước được ví như “nguồn tài lộc” dồi dào, tràn đầy. Người Việt tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước nên nếu cho nước thì coi như… mất lộc. Trước khi bước sang năm mới, các gia đình ở nông thôn thường đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại.
Sáng mùng 1 Tết, nhiều nhà thời xưa còn thuê người gánh nước đến và mừng tuổi cho họ đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người gánh thuê đều hả hê vì sẽ có một năm mới may mắn, tốt lành.
- Kiêng đi chúc Tết khi đang có thai: Theo quan niệm dân gian, gặp phụ nữ đang có thai trong dịp đầu năm mới sẽ đem đến xui xẻo. Không chỉ riêng ngày Tết, câu nói phổ biến trong dân gian như “ra ngõ gặp gái chửa” cũng đã có từ lâu đời. Không chỉ thế, em bé trong bụng cũng bị cho là sẽ thành người ăn nói vô duyên, việc sinh đẻ cũng có dự cảm không lành.
- Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, là tín hiệu không thuận lợi của các mối quan hệ. Tuy vậy, đôi khi, việc làm vỡ bát đĩa vẫn xảy ra trong ngày Tết.
- Kiêng cho vay, trả nợ: Ngày đầu xuân là ngày mở cửa chào đón mọi niềm vui và lộc biếc. Việc vay mượn hoặc trả nợ trong những ngày này cũng bị coi là cấm kỵ.
Nếu cho vay tiền hay trả tiền giống như “dâng” tài lộc vào tay người khác, cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu. Vì vậy, trước chiều 30 Tết, các chủ nợ thường đi đòi hết các khoản nợ nần; con nợ cũng phải thu xếp tiền trả nợ trước giao thừa.
- Không xuất hành ngày mùng 5 Tết: Ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
- Kỵ tang tóc ngày mùng Một Tết: Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc. Xưa có lệ gia đình gặp chuyện tang tóc được phép cất khăn tang trong ba ngày Tết, có lẽ để tránh cho hàng xóm láng giềng ra vào khỏi phải nhìn thấy cảnh buồn thương ngay ngày đầu năm.
Nhà “có bụi” (có tang) kiêng đi chúc Tết, ngược lại, họ hàng, làng xóm thường chủ động đến chúc Tết gia đình “có bụi”. Trường hợp gia đình có người qua đời vào ngày 30 tháng Chạp mà có thể lo liệu kịp thì thường tiến hành việc hiếu ngay trong ngày đó, kiêng để sang ngày mùng Một năm sau. Trường hợp có người thân qua đời đúng ngày mùng Một Tết thì cũng chưa phát tang ngay mà để đến sáng mùng Hai mới làm lễ phát tang.

0 nhận xét:

Post a Comment